Tuyên truyền An toàn thực phẩm trong ngày tết

Bài tuyên truyền

 AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG NGÀY TẾT

 Trong những ngày Tết, sử dụng thực phẩm an toàn, bảo đảm dinh dưỡng là mối quan tâm của nhiều gia đình. Dưới đây là một số biện pháp cơ bản trong cách chọn lựa, chế biến và bảo quản thực phẩm an toàn.

  1. CHỌN THỰC PHẨM:

– Chọn mua các loại rau quả tươi, giữ nguyên trạng thái tự nhiên, không bị dập nát, nên rửa kỹ dưới vòi nước chảy cho thật sạch, ngâm trong nước vo gạo khoảng 30 phút, rồi rửa lại bằng nước sạch trước khi sử dụng.

– Chọn các loại thịt, cá còn tươi. Thịt phải qua kiểm dịch thú y và có các đặc điểm: màng ngoài khô, không bị nhớt, mùi và màu sắc bình thường, khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao, khi ấn ngón tay ấn vào miếng thịt không để lại vết lõm khi nhấc ngón tay ra. Cá: chọn cá đang sống hay vừa mới chết nhưng vẫn đạt các tiêu chuẩn cá tươi như: thân cá to cứng, khi để lên bàn tay, thân cá không thõm xuống. Mắt trong suốt, giác mạc đàn hồi; miệng ngậm cứng; mang màu đỏ tươi, vây tươi, óng ánh, dính chặt vào thân; bụng bình thường; thịt rắn chắc, có đàn hồi, dính chặt vào xương sống.

– Đối với các loại thực phẩm đã chế biến, được đóng hộp hoặc bao gói bảo quản, có nhãn ghi đầy đủ nội dung: tên sản phẩm, trọng lượng, các thành phần chính, cách bảo quản, hướng dẫn sử dụng, địa chỉ nơi sản xuất chế biến, có số đăng ký sản xuất và còn thời hạn sử dụng.

  1. CHẾ BIÊN VÀ GIỮ GÌN VỆ SINH NƠI CHẾ BIẾN:

– Khu vực chế biến thực phẩm không có nước đọng, xa cách các khu khói bụi bẩn, nhà vệ sinh hoặc khu chăn nuôi gia súc, rác thải gây ô nhiễm môi trường. Tất cả các bề mặt để chuẩn bị thực phẩm phải dễ cọ rửa và giữ gìn sạch sẽ, khô ráo. Ngăn ngừa sự xâm nhập của gián, chuột và các động vật khác trong khu vực chế biến.

– Khi nấu nướng không được sử dụng các dụng cụ bẩn qua đêm. Thức ăn còn thừa, thực phẩm thải bỏ phải được đựng vào túi nilon hoặc thùng có nắp đậy và đưa đi nơi khác, tránh ruồi nhặng. Bát đĩa phải được rửa ngay (theo 4 bước: vét sạch thức ăn thừa, cọ rửa bằng nước rửa bát, rửa lại bằng nước sạch, tráng lại dưới vòi nước chảy hoặc bằng nước sôi) và úp vào giá cho khô ráo, tránh bụi bẩn. Không nên dùng khăn để lau bát đĩa.

– Khi nấu, các loại thực phẩm đông lạnh phải làm tan đá hoàn toàn và rửa sạch trước khi nấu nướng. Đối với phần thịt gần với xương (gà, vịt, chân giò, cá…) nếu thấy còn máu hồng hoặc máu đỏ thì bắt buộc phải đun lại đến khi chín hoàn toàn.

– Sử dụng nước máy, nước giếng, nước mưa, sông, suối… đã qua xử lý hoặc lắng lọc để chế biến thực phẩm. Dụng cụ chứa nước phải đảm bảo sạch, có nắp đậy kín, không lây nhiễm các chất độc vào nước và dễ cọ rửa, nên có vòi để lấy nước đặt cách đáy khoảng 10 cm.

  1. BẢO QUẢN THỨC ĂN:

– Nếu phải chuẩn bị thức ăn trước khi ăn 3 giờ thì phải luôn giữ nóng ở nhiệt độ 60oC trở lên hoặc bảo quản lạnh trong điều kiện từ 10oC trở xuống.

– Đối với thức ăn của trẻ dưới một tuổi thì phải cho ăn ngay khi vừa nguội. Không đưa quá nhiều thức ăn còn ấm hoặc thức ăn đang nóng vào tủ lạnh. Nếu quá tải, bộ phận làm lạnh sẽ không đủ khả năng làm lạnh thực phẩm nhanh được. Khi phần giữa của thực phẩm còn ấm (trên 100C) thì vi khuẩn có thể phát triển đến mức gây bệnh.

– Thực tế, việc bảo quản thức ăn chín cũng chỉ làm hạn chế quá trình phát triển mà không tiêu diệt được vi khuẩn. Do vậy, đun lại thức ăn nóng đồng đều ở nhiệt độ sôi ngay trước khi ăn là tốt nhất để phòng ngừa các vi khuẩn phát triển trong quá trình bảo quản.

– Đối với thức ăn đã nấu chín, không sử dụng giấy sách, báo cũ, giấy in…để gói. Đồ bao gói thực phẩm phải đảm bảo sạch, để xa các chất gây độc.

DUYỆT  TRƯỞNG TRẠM Y TẾ                      Y TẾ HỌC ĐƯỜNG

                  (đã ký)

         Nguyễn Văn Ngự                                Nguyễn Thị Bích Ngọc